Các loại hạt là một trong những thực phẩm được Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ liệt kê có lợi cho người mắc bệnh do có hàm lượng chất béo lành mạnh cao, giàu chất xơ và protein. Dưới đây là 5 loại hạt tốt cho sức khỏe của người tiểu đường theo Medical News Today.
Đậu phộng
Đậu phộng là nguồn cung cấp protein và chất xơ dồi dào, giúp giảm cân và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng, thêm đậu phộng vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể kiểm soát lượng đường trong máu và cảm giác thèm ăn. Ăn đậu phộng giảm nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường.
Hạt điều
Nghiên cứu của Đại học Nam Australia, ăn hạt điều làm tăng tỷ lệ cholesterol HDL (cholesterol tốt) và giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Có 300 người bệnh tiểu đường tham gia vào nghiên cứu, gồm 2 nhóm: ăn nhiều hạt điều và không ăn hạt điều (cả hai nhóm đều có chế độ ăn dành cho bệnh tiểu đường). Kết quả nhóm ăn hạt điều có huyết áp thấp hơn và mức cholesterol tốt cao hơn sau 12 tuần. Hạt điều cũng không có tác động tiêu cực đến mức đường huyết, cân nặng người bệnh.
Hạt dẻ cười
Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), người tiểu đường có chế độ ăn lành mạnh giàu hạt dẻ cười trong 4 tuần có tỷ lệ cholesterol HDL cao hơn người bệnh ăn kiêng thông thường, không ăn hạt dẻ cười. Người ăn nhiều hạt dẻ cười cũng có mức chất béo trung tính thấp hơn và sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Quả óc chó
Các nhà nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) phát hiện ra rằng, người ăn quả óc chó trong 24 giờ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng một nửa người không ăn hạt này trong cùng thời gian. Ngoài ra, người có nguy cơ mắc tiểu đường theo có chế độ ăn giàu quả óc chó trong 6 tháng có thể tăng tỷ lệ cholesterol tốt mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thành phần cơ thể hay trọng lượng.
Hạnh nhân
Hạnh nhân có nhiều lợi ích cho bệnh nhân tiền tiểu đường và tiểu đường. Nghiên cứu của Đài Loan (Trung Quốc), 20 người tiểu đường ăn 60 g hạnh nhân mỗi ngày trong 12 tuần có mức insulin và đường huyết lúc đói thấp hơn người bệnh ăn chế độ kiểm soát đường huyết, không ăn hạnh nhân. Điều này cho thấy, tiêu thụ hạnh nhân giúp giảm lượng đường trong máu và thành phần lipid ở bệnh nhân tiểu đường. Chế độ ăn giàu hạnh nhân (chiếm 20% tổng lượng calo) cũng cải thiện độ nhạy của insulin và mức cholesterol ở bệnh nhân tiền tiểu đường.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tiêu thụ hạnh nhân có thể ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Hạnh nhân có lợi cho tim vì có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Nó cũng giàu chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, giúp giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt.
Hạnh nhân còn là nguồn cung cấp vitamin E góp phần bảo vệ cholesterol chống lại quá trình oxy hóa, cholesterol LDL bị oxy hóa là một yếu tố gây ra bệnh tim. Hạnh nhân cũng giàu magiê, khoảng 28 g chứa hơn 76 mg magiê. Mức magiê trong máu thấp có thể làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường và tiểu đường. Do đó, ăn hạt này có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Các loại hạt chứa nhiều protein, chất xơ và chất béo lành mạnh, tăng cảm giác no nên có thể kiểm soát cân nặng. Theo các nhà khoa học Pháp, người thường xuyên ăn các loại hạt có nguy cơ béo phì thấp hơn và ít tăng cân hơn theo thời gian so với người không ăn hạt. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh sẽ giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và các biến chứng. Giảm cân giúp người tiền tiểu đường trì hoãn hoặc ngăn chặn sự phát triển của bệnh tiểu đường.
Người bệnh nên chọn các loại hạt không ướp muối, tránh loại có phủ đường, mật ong hoặc chocolate. Muối có thể làm tăng huyết áp và các vấn đề về tim, còn đường là một loại carbohydrate không tốt cho bệnh tiểu đường.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)